Email:
nangluong.tanvietmy@gmail.com
Nếu một gia đình như ông Lê Nguyễn Đông Phương có đưa ra câu hỏi: “Hiện nhà tôi có bốn phòng ngủ, một phòng khách, nhà bếp và hành lang dài 12m. Điện năng tiêu thụ hằng tháng khoảng 350kWh. Xin được tư vấn về hệ thống dùng điện mặt trời, cách tính số lượng tấm thu nhiệt – lưu trữ, phân phối và chi phí lắp đặt cho toàn bộ hệ thống hay một phần thiết bị trong nhà?”
Ban cố vấn Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM, ông Diệp Bá Cảnh cho biết:
Tấm thu điện năng lượng mặt trời, thường được gọi là tấm pin năng lượng mặt trời, chuyển ánh sáng mặt trời (chứ không phải nhiệt như nhiều người lầm tưởng) thành dòng điện một chiều (điện DC). Tuổi thọ tấm điện mặt trời được đảm bảo là 25 năm.
Khi nói tấm điện mặt trời có công suất 135Wp, tức ánh sáng đạt đến 1.000W/m2 (lúc trời nắng tốt, không có mây che, góc chiếu thẳng), nhiệt độ môi trường là 25OC, tấm điện mặt trời cho ra dòng điện DC có công suất 135W. Đây cũng là đơn vị hay được dùng để tính đơn giá. Cơ sở dữ liệu về lượng ánh sáng trung bình của đài khí tượng NASA thường được dùng trong tính toán lắp đặt tấm điện mặt trời.
Theo đó, tại TP.HCM, lượng ánh sáng mặt trời trung bình năm là 5,20 kWh/ngày, tại Hà Nội 3,84 kWh/ngày, Đà Nẵng 4,88 kWh/ngày. Vậy nếu nhà bạn tại TP.HCM, khi lắp 1kWp tấm điện mặt trời thì trung bình mỗi ngày, hệ điện mặt trời này cho ra lượng điện là 5,20 kWh. Nếu gia đình bạn sử dụng điện 350 kWh/tháng thì chỉ cần lắp hệ thống điện mặt trời 3kWp là đủ (đã tính tổn hao trên các thiết bị).
Tấm điện mặt trời có diện tích 1m2 công suất 135-150Wp. Vậy để lắp đặt 1kWp thì cần diện tích khoảng 8m2.
Chi phí lắp đặt trọn gói cho hệ thống sử dụng trong hộ gia đình, văn phòng nhỏ là 100-150 triệu đồng/kWp (tùy theo thiết bị sử dụng). Ngoài ra, trên thị trường còn có bán các loại “kit” (gồm tấm điện mặt trời, bộ sạc, ăcquy, bóng đèn LED… đóng trong một hộp gọn nhẹ) 20-25Wp chỉ dành cho thắp sáng (2-4 đèn LED), có giá khoảng 2,7-3 triệu đồng/bộ.
Với chi phí lắp đặt ban đầu khá cao, nếu gia đình bạn đang ở thành phố có sẵn điện lưới quốc gia cung cấp điện thì khoan nghĩ đến việc thay thế hoàn toàn bằng điện mặt trời.
Tốt nhất bạn chỉ cần lắp đặt một hệ thống nhỏ 500-1.000Wp, dùng cho chiếu sáng, vi tính, tivi… Bình thường có thể tiết kiệm đáng kể tiền điện trả hằng tháng, góp phần bảo vệ môi trường.
Thực tế lắp đặt tại gia đình
Trong hai năm qua, tại TP.HCM có ngôi biệt thự ở 72/1 Nhất Chi Mai, P.13, Q.Tân Bình của ông Trịnh Quang Dũng – trưởng phòng phát triển điện mặt trời (Phân viện Vật lý TP.HCM) – đã tự sản xuất khoảng 6.400 kWh điện, phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt của gia đình từ 42 tấm pin năng lượng mặt trời.
Hiện nay, theo ông Trịnh Quang Dũng, mỗi tháng gia đình ông chỉ trả tiền điện cho công ty điện lực khoảng 700.000 đồng, còn lại hệ điện mặt trời ông đã lắp đặt cung cấp 250-300kWh điện/tháng. Ông nói vui nhà ông chẳng bao giờ biết mất điện dù ngành điện có cúp điện bao lâu đi nữa. Bởi hầu hết thiết bị điện trong nhà như tivi, đèn, quạt… đều dùng điện mặt trời. Chỉ còn máy lạnh, bình điện đun nước nóng là dùng nguồn điện lưới quốc gia (EVN).
Theo tính toán của ông Dũng, với nhu cầu sử dụng nước nóng của gia đình, để đun bằng điện mặt trời phải đầu tư thêm một hệ điện mặt trời khoảng 10 triệu đồng. Còn nếu nâng công suất thiết kế của hệ điện mặt trời lên gấp ba lần hiện có thì nhà ông sẽ hoàn toàn “thoát ly” sử dụng nguồn điện của EVN.
Cái được của hệ điện mặt trời ở ngôi nhà là chủ động được nguồn điện, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Còn chất lượng điện từ nguồn điện mặt trời ngang bằng với chất lượng điện lưới quốc gia – ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cho biết mới lắp đặt một thiết bị cho phép điện mặt trời hòa vào điện lưới. Khi hệ điện mặt trời cung cấp thiếu hụt 20% nhu cầu điện cho ngôi nhà thì “thiết bị thông minh” này sẽ tự động lấy đủ lượng điện từ nguồn điện lưới quốc gia để bù đắp lượng điện thiếu hụt. Còn nếu lượng điện từ hệ điện mặt trời dư thừa thì thiết bị đó đưa vào trữ ở các bình ăcquy như một nguồn dự phòng
Hệ điện mặt trời nhà ông Dũng hiện có công suất 2kW, đầu tư thiết kế tốn khoảng 20.000 USD. Nhưng theo ông Dũng, giá cả hiện nay có mềm hơn đôi chút, có thể giảm khoảng 2.000 USD so với lúc ông lắp đặt.
Ông Dũng cho rằng giá cả đầu tư ban đầu cho một hệ điện mặt trời hiện còn cao nên nhiều gia đình chưa mặn mà đầu tư sử dụng. Vì thế gia đình ông Dũng vẫn dùng điện lưới quốc gia để đun nước nóng, chạy máy lạnh. Song ông khẳng định xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng mặt trời, là tất yếu.
Nhiều quốc gia đã và đang lao vào cuộc chạy đua này. Cộng đồng châu Âu đã hoàn tất chương trình 600.000 mái nhà điện mặt trời và tuyên bố sau năm 2020 sẽ cho ra đời loại nhà “zero energy house”, nghĩa là những loại nhà này khi xây lên phải tự đảm bảo điện, không lấy từ nguồn điện lưới. Riêng nước Đức có gần 300.000 mái nhà điện mặt trời và dự kiến đến năm 2020 sẽ đảm bảo 47% năng lượng mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời…) so với tổng nhu cầu năng lượng chung.
“Trong khi đó, nguồn năng lượng mặt trời vốn rất có tiềm năng ở VN, ở Đức phải làm công suất gấp đôi thì mới bằng nước ta vì nguồn năng lượng mặt trời chúng ta rất mạnh, dồi dào. Do đó, nếu giá điện mặt trời ở Đức là 10 USD/watt thì chúng ta làm ra chỉ mất 5 USD. Đấy là một ưu thế thì tại sao chúng ta không khai thác?” – ông Dũng đặt vấn đề
Theo ông Dũng, vấn đề then chốt hiện nay ở VN là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích người dân sử dụng năng lượng mới. Bởi lợi ích của điện mặt trời đã được thế giới chứng minh. Nước nào có chính sách tốt thì nước đó phát triển rất tốt năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có chương trình Ánh dương tài trợ 50% kinh phí xây dựng hệ điện mặt trời ở nông thôn, còn ở thành thị tài trợ 30%. Ở TP.HCM nếu có 1 triệu hộ dùng điện mặt trời thì điện lực giảm được một gánh nặng lớn cho ngành điện.
“Việc đầu tư sử dụng điện mặt trời hiện nay chưa mang lại lợi nhuận gì cho gia đình tôi. Nhưng nếu Nhà nước có chính sách thì không chỉ có gia đình tôi mà có thể sẽ xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà dùng điện mặt trời như gia đình tôi. Ví dụ, có chính sách cho hòa điện mặt trời với điện lưới. Hộ dân sẽ gắn loại đồng hồ hai chiều giống như ở Đức. Đến cuối tháng, nếu đồng hồ báo chỉ số dương thì hộ dân phải trả tiền mua điện, còn ngược lại thì hộ dân sẽ được nhận tiền bán điện từ nguồn điện mặt trời dư thừa không sử dụng hết. Như vậy, vô hình trung giá điện mặt trời sẽ rẻ đi. Hiện nay, tính ra tôi làm ra 1W điện mặt trời có giá thành khoảng 8-9 USD, còn nếu có chính sách bán điện mặt trời cho điện lưới nhà nước thì giá thành còn khoảng 5 USD”, Ông Trịnh Quang Dũng cho hay.
Nguồn:http://tuoitre.vn